Thời trang xa xỉ luôn là một thị trường cuốn hút. Không chỉ bởi những món đồ hiệu hay các "phiên bản giới hạn" với thiết kế độc đáo cùng mức giá có khi bằng cả căn hộ của người thu nhập thấp mà còn bởi các dịch vụ "ăn theo" nó rất thú vị, đa dạng.
Đồ hiệu cũng như con người - cần được chăm sóc, tân trang, dưỡng nhan, dưỡng sức khi làm việc mỏi mệt. Sau một thời gian dài sử dụng những chiếc túi xách, giày da, thắt lưng, ví hay những chiếc boots cao cổ, áo khoác da, đồng hồ… xa xỉ có giá từ vài chục, vài trăm triệu hay cả tỉ đồng cũng cần được phục hồi, làm mới lại hay đơn giản là làm sạch, dưỡng bóng.
Có rất nhiều nhu cầu về món đồ thời trang xa xỉ. Đơn giản nhất là bảo dưỡng định kỳ, vệ sinh, làm sạch sản phẩm, dưỡng da (hoặc lớp bên ngoài của sản phẩm), chỉnh trang khóa, túi, các lớp lót, vết xước, dán bảo vệ (đế giày, bề ngoài túi, mặt móc khóa - biểu tượng thương hiệu…). Cầu kỳ là dán keo viền (túi, giày…), khắc phục vết thủng (với túi), nứt, gãy (với giày), miệng túi, cạnh viền dây lưng, xử lý đế giày… Phức tạp là các "ca" phục hồi màu nguyên bản, đổi màu, thay phụ kiện chính, mạ vàng lại các mặt, móc khóa, biểu tượng thương hiệu…
Có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng không có nghĩa là hàng thời trang xa xỉ "bất biến dạng", nguyên liệu hiếm, chế tác thủ công khiến nó "dễ tổn thương" hơn nhiều.
Với những thương hiệu đã có đại diện tại Việt Nam, tín đồ có thể mang ra cửa hàng để được hỗ trợ. Tuy nhiên showroom chính hãng thường hỗ trợ bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì chính thống còn những ca "độ hàng" (làm khác với nguyên bản), sửa chữa sâu (mức độ sửa trên 60%) thì khó được tiếp nhận.
Đồ hiệu rất cần được "spa" - phục hồi, chăm sóc, làm mới, sửa chữa sau một thời gian dài sử dụng để đảm bảo hình thức cũng như giá trị được (gần) như ban đầu.
Với các món đồ xách tay, thương hiệu chưa có đại diện tại Việt Nam, nhất là những món đồ hiệu đã qua tay (mua đi bán lại) nhiều lần, món đồ đã bị thay đổi so với bản nguyên và đặc biệt là các nhu cầu thay đổi, can thiệp "kết cấu" sản phẩm, sửa chữa bản nguyên thì các spa đồ hiệu chính là địa điểm lý tưởng để gửi gắm.
Có cầu thì ắt có cung. Chuỗi các spa đồ hiệu cứ thế dần hình thành. Các thợ lành nghề cũng ngày càng nhiều. Một spa đồ hiệu cũng như một spa dành cho tín đồ làm đẹp, có bộ phận lễ tân chăm sóc khách hàng, có bộ phận kỹ thuật (chuyên viên spa), có khu tư vấn, tiếp khách, có khu "phục hồi, chăm sóc" đồ hiệu riêng biệt, cũng có menu dịch vụ và có cả các danh mục "mỹ phẩm" (tức sản phẩm để dưỡng, chăm sóc, bảo trì đồ hiệu) nguồn gốc đa dạng từ hàng Thái Lan đến hàng Anh Quốc cho món đồ.
Quy trình tiếp nhận sản phẩm tại các spa cũng không quá phức tạp. Thường thì đại diện của spa sẽ yêu cầu khách mang đồ ra trực tiếp cửa hàng để "thăm khám" - thực chất là định giá sản phẩm, đánh giá mức độ cần bảo dưỡng, chăm sóc. Cũng có một số cơ sở tiếp nhận tại nhà song việc mang hàng ra tận nơi không chỉ được đại diện spa khuyến khích mà cũng là lời khuyên dành cho các chủ sở hữu đồ hiệu bởi sự giao nhận chắc chắn, an toàn.
Mỗi món đồ hiệu dù nhỏ hay lớn, dù mới hay cũ dù lâu đời hay mới ra thị trường thì cũng đều có giá trị bằng cả một khối tài sản của nhiều người. Thế nên việc bảo quản và đảm bảo an toàn cho món đồ hiệu tại spa cũng là một vấn đề lớn mà các khách hàng sở hữu đồ hiệu quan tâm.
Những chiếc túi đắt tiền lỡ bị thủng, rách được đôi bàn tay khéo léo của thợ spa chăm chút trở về nguyên bản.
Đại diện spa đồ hiệu ở phố Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết khi tiếp nhận một món đồ vào spa phải thực hiện cẩn thận các bước từ xem xét, định giá, lắng nghe nhu cầu, tư vấn phương pháp, chia sẻ thông tin sản phẩm đến việc chụp ảnh và lập biên bản giá trị món đồ trước khi chuyển món đồ về khu kỹ thuật tân trang.
Chị Thùy Linh (một tín đồ hàng hiệu) cho biết có món đồ của chị bằng giá trị cả một chung cư mini thế nên để chăm sóc "kho" đồ hiệu của mình chị chỉ thường chọn một spa quen để gửi gắm tránh nỗi lo bị tráo đồ hoặc bảo dưỡng, chăm chút không cẩn thận khiến thất lạc, hư hỏng.
Tùy theo giá trị của sản phẩm mà chi phí bảo dưỡng, chăm sóc hay sửa chữa, thay đổi là bao nhiêu. Thường thì sẽ từ một vài triệu lên đến cả chục triệu đồng. Các ca cầu kỳ và phức tạp như phục hồi màu nguyên bản (mức độ cần phục hồi trên 70%) hay đổi màu… cũng có thể cao hơn. Dù là mức giá bao nhiêu, yêu cầu khó đến mấy thì thường không vượt quá 20% giá trị của món đồ.
Món đồ đẹp, sáng lại như mới không chỉ làm vui lòng các tín đồ thời trang xa xỉ mà còn "phục hồi" cả giá trị của món hàng nếu có chuyển nhượng.
Các khách hàng của spa đồ hiệu hẳn nhiên là những khách hàng chịu chơi, chịu chi và đặc biệt mê thời trang, trân trọng món đồ xa xỉ của họ. Thế nên ít khi mà họ "cò kè" trong chi phí spa dành cho món đồ hiệu. Cũng bởi, một món đồ hiệu nếu được tân trang tỉ mỉ, kỹ lưỡng thì khi bán lại giá trị sẽ tốt hơn nhiều so với để nguyên.
Trong vô vàn cái quan trọng đối với một món đồ hiệu thì hình thức và sự láng bóng, sắc nét của món đồ vẫn là quan trọng nhất. Và điều này đương nhiên phải nhờ đến tay các thợ spa - một nghề đang "phất" nhờ nhu cầu đồ thời trang xa xỉ ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung ngày càng lớn.
Nguồn: Phục Mỹ, ICUS, Hermès, Chanel